2/15/2012

Lý Nhã Kỳ khoe của

- Việc chị liên tục tiết lộ sở hữu những trang phục, phụ kiện đắt giá khiến nhiều người cho rằng chị cố tình khoe khoang một cách hợm hĩnh. Chị giải thích sao?
- Tôi rất bức xúc khi đọc một số bài viết chỉ trích mình khoe của. Rõ ràng những người phóng viên của các trang mạng đó đã tổng kết, bình luận mọi vấn đề về tôi một cách không hề khách quan. Khoe của nghĩa là gì? Theo tôi chữ "khoe" mang nghĩa là không có mà nói là có hoặc có ít mà làm như mình có nhiều, cố tình đem những gì mình có ra phô trương một cách quá đáng. Sự thực tôi chưa bao giờ tổ chức một cuộc họp báo nào để đem tất cả tài sản của mình ra khoe khoang, kể lể. Trang phục hay phụ kiện của tôi mọi người biết tới là trong những dịp chính đáng như buổi tiệc đấu giá từ thiện hay khai trương cửa hàng. Tôi mặc, đeo những chiếc váy, bộ trang sức và được mọi người khen đẹp rồi hỏi tôi thông tin thì tôi cũng thật thà chia sẻ về cái đẹp đó một cách chân thành. Sau đó thì báo chí đưa tin và công chúng mới biết tới rộng rãi.
Lý Nhã Kỳ bị cho là khoe của khi trưng ra bộ nữ trang 'Vườn hồng' trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Người Việt Nam mình vẫn được đánh giá cao về tính cách thân thiện, giàu tình cảm. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy sẽ là thiếu thân thiện khi lắc đầu từ chối trả lời sự quan tâm của người khác dành cho mình. Tôi không ngờ sự cởi mở của mình đã bị hiểu ngược lại và bị chê trách như thế. Tôi là bà chủ của một cửa hàng kim cương, đại diện cho 10 thương hiệu kim cương nổi tiếng thế giới, không nói ra thì mọi người cũng biết tôi sở hữu hàng trăm bộ trang sức kim cương chứ đem một bộ ra để khoe thì thấm tháp gì. Nếu khoe, tôi sẽ nói tôi có 300-400 bộ trang sức như vậy và nói tổng giá trị của chúng chứ không khoe chỉ một bộ đâu. Hôm ấy mọi người hỏi tôi thích bộ trang sức nào, tôi nói tôi thích bộ "Vườn hồng" và thành thật chia sẻ tất cả thông tin về vẻ đẹp cũng như giá trị của nó. Trên báo tôi còn đọc thấy người ta chỉ trích và tỏ ý nghi ngờ khi tôi không đưa ra tên tác giả chế tác bộ trang sức này. Tuy nhiên tôi chỉ có thể nói nó thuộc thương hiệu Enigma vì trên nguyên tắc đã cam kết với đối tác nước ngoài, tôi không thể tiết lộ tên nhà thiết kế. Điều này cũng giống như khi bạn đi ăn thì bạn chỉ biết món ăn đó của nhà hàng nào chứ làm sao bạn biết đầu bếp nào đã nấu món đó.
Tôi là người thích sở hữu những món đồ đẹp và độc đáo. Đối với tôi những trang phục, phụ kiện đó thực sự không còn là món đồ mà là những tác phẩm đẹp. Đã là tác phẩm thì có ai quan tâm tới giá thành của nó làm gì. Chúng ta không thể định giá những tác phẩm nghệ thuật theo kiểu mua mớ rau, con cá ngoài chợ để đem ra nói rằng sự chia sẻ tác phẩm đó là một cách khoe của. Tôi mua những tác phẩm đó vì ngưỡng mộ, say mê cái đẹp và muốn bày tỏ sự tôn trọng, khâm phục tác giả đã chế tạo ra chúng. Tôi nghĩ giới hạn của khoe khoang và chia sẻ nó mong manh lắm. Người nào khách quan sẽ biết tôi đang chia sẻ còn những kẻ có đầu óc nhỏ nhen, đố kỵ thích bới lông tìm vết thì sẽ gọi đó là khoe của.
- Sở thích dùng hàng hiệu với các món trang phục, phụ kiện quá xa xỉ có thể khiến mọi người nghĩ rằng chị dùng vật chất để nâng cao đẳng cấp, sự sang trọng, quý phái của mình. Chị nghĩ sao?
- Nếu tôi không có khả năng thì tôi có làm gì cũng không nâng cao đẳng cấp của mình được đâu. Tôi nghĩ không dễ dàng gì để trở thành bà chủ một cửa hàng kim cương nếu không thực sự có điều kiện kinh tế. Tôi không phải cố gắng "chơi trội" khi mua đeo những món trang sức, phụ kiện đó trên người. Tôi có điều kiện thì tôi mới có nhu cầu chứ tôi không đủ điều kiện thì làm sao tôi có nhu cầu xài những món đồ đó. Tôi thấy việc ấy là hết sức bình thường, chẳng có gì để gọi là dùng vật chất nâng cao đẳng cấp, sự sang trọng cả. Tất cả những gì tôi có rất rõ ràng, không cần thiết phải cố tình tạo ra nữa. Phụ nữ thì ai chẳng thích làm đẹp, thích đeo nữ trang đắt giá. Mà nói gì phụ nữ, đàn ông cũng vậy thôi. Tôi là một người phụ nữ, tất nhiên tôi cũng thích dùng hàng hiệu, đeo trang sức đẹp chứ.
- Không chỉ chia sẻ thông tin về giá cả chi tiết của từng món đồ mình có, khi đứng trước ống kính dường như chị cũng cố tình phô diễn tất cả những viên kim cương lấp lánh trên mình. Cách tạo dáng này của chị có thể bị hiểu là cố tình khoe của. Chị giải thích sao?
- Tôi chụp ảnh thời trang thì phải diễn xuất sinh động từ tay, chân đến gương mặt, hình thể chứ sao có thể cứng đơ như chụp ảnh chứng minh nhân dân được? Trước đây khi chưa kinh doanh kim cương, tôi cũng thực hiện nhiều bộ ảnh và cũng diễn như thế thì không bị nói gì cả. Nay cũng những động tác đó khi đứng trước ống kính thì tôi lại bị quy cho là cố tình khoe của, khoe kim cương. Tóm lại tôi không hiểu sẽ phải tạo dáng thế nào để làm hài lòng mọi người. Có người nói tôi hiền quá, bao lần bị động chạm, vu oan cũng chẳng nói gì nên riết rồi bị đánh đập hoài. Không phải tôi hiền mà chịu nhịn không lên tiếng đâu mà chủ yếu là tôi thấy buồn cười thôi. Những đánh giá vô căn cứ, thiếu khách quan như vậy tôi chẳng để tâm làm gì. Tôi cho đó là hành động cố tình "bới lông tìm vết", tìm không thấy thì tự vẽ ra để chê bai, chà đạp người khác.
Lý Nhã Kỳ giải thích cô chỉ thật thà chia sẻ sở thích, đam mê cái đẹp với mọi người chứ không cố tình mang của cải ra khoe.
- Trong thời buổi nền kinh tế gặp khủng khoảng, đời sống mọi người đều khó khăn nhưng chị vẫn chứng tỏ cuộc sống giàu sang, vương giả của mình. Chị không sợ những chia sẻ của mình là không thích hợp, thậm chí bị cho là lố bịch sao?
- Tôi nghĩ tới bây giờ thì chúng ta cần phải thay đổi quan điểm của mình. Trước đây người Việt Nam mình thường mang tâm lý có tiền cũng không dám xài, không dám ăn ngon mặc đẹp vì sợ bị mọi người nói này nói kia hoặc ganh tỵ làm hại đến bản thân mình. Tôi nghĩ thời nay mà còn làm vậy thì chẳng khác gì "vạch áo cho người xem lưng". Bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì khi đã bao nhiêu năm qua đi mà Việt Nam vẫn nghèo nàn, lạc hậu, không có những người giàu có, thành đạt. Nước ta vẫn được khen là năng động, đang phát triển mạnh, có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư. Nhà nước cũng chủ trương đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để đưa hình ảnh Việt Nam giàu đẹp, hấp dẫn, kích thích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn. Nếu bây giờ hình ảnh của Việt Nam chỉ toàn là người nghèo thì ai dám tin rằng vào đây đầu tư sẽ trở nên giàu có, thành đạt được? Tôi không hiểu cứ cố thể hiện mình đang nghèo đói, khó khăn thì mang lại lợi ích gì cho bản thân và những người khác? Tôi chỉ thấy việc đó khiến mình mất tự tin và càng khiến mọi người bi quan vào tình hình kinh tế.
- Chị từng diện bộ trang phục đỏ lộng lẫy của nhà thiết kế lừng danh McQueen trong một sự kiện nhưng bị cho là đã vô tình "phá hỏng" thiết kế độc đáo này vì chiều cao và vóc dáng tròn trịa của chị không phù hợp. Chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ đánh giá này cũng mang nặng tính chủ quan. Khi nhận xét như vậy, mọi người có tự hỏi lại bản thân mình đã thực sự đủ chuyên môn về thời trang chưa hay đang chỉ trích theo cảm xúc bột phát của cá nhân? Khi tôi mặc trang phục đó, rất nhiều bạn bè, quan khách đã ngỏ lời khen ngợi chân thành. Đó là thiết kế của một nhà thiết kế lừng danh nên tôi nghĩ để bình luận, nhận xét về việc tôi có phù hợp với bộ váy đó hay không, thiết nghĩ cần phải hỏi ý kiến của những nhà thiết kế thế giới. Chỉ có họ mới đủ khách quan và trình độ chuyên môn để đưa ra nhận xét đúng. Người ta có câu "chín người mười ý", cũng bộ trang phục đó nhưng tờ báo này khen tôi mặc đẹp còn tờ kia lại chê tôi "phá hỏng". Tôi nghĩ mỗi chúng ta khi chưa thấy mình đủ chuyên môn về một lĩnh vực nào thì đừng vội vàng đánh giá về phẩm giá, tư cách của người khác dựa trên bộ đồ họ mặc khi chưa có lý do nào chính đáng hơn.
- Giữ cương vị Đại sứ Du lịch nhưng thời gian gần đây thông tin về chị chủ yếu xoay quanh việc kinh doanh và những món đồ đắt giá chị sở hữu chứ ít thấy chị tham gia các hoạt động quảng bá cho ngành du lịch hay đi làm từ thiện nữa. Chị giải thích thế nào?
- Tôi không thể quảng bá du lịch theo kiểu suốt ngày đi vận động người này người kia được. Tôi làm việc theo cách của riêng mình. Tôi muốn quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới chứ không phải chỉ ở phạm vi trong nước. Trong các chuyến đi nước ngoài, tôi vẫn gặp gỡ các chính khách, doanh nhân và giới thiệu hình ảnh Việt Nam với họ, kêu gọi các nhà đầu tư vào đây làm ăn... Sắp tới, tôi có kế hoạch đi Indonesia để tiếp tục quảng bá cho ngành du lịch nước nhà. Báo chí có thể ít đăng nhưng thực tế tôi vẫn quảng bá du lịch và đi làm từ thiện đều đặn.
Tuy nhiên tôi nghĩ trong cuộc sống thì khi mình thành đạt, có sự đảm bảo vững chắc về kinh tế thì mới có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác. Tôi cho rằng mình mới chỉ đạt được những thành tựu nho nhỏ và tôi cần chia sẻ thành tựu đó cho gia đình, bản thân rồi mới đến xã hội. Sẽ là vô lý nếu mọi người đòi hỏi tôi phải hy sinh những nhu cầu của bản thân như ăn, mặc để dồn hết cho xã hội. Nếu vậy thì chẳng bao lâu tôi sẽ bị cạn kiệt về tài chính và không thể làm từ thiện, thậm chí chẳng nuôi sống nổi chính bản thân mình. Ai đó từng nói "Nếu bạn chỉ có một ổ bánh thì bạn phải biết cách chia nó làm sao khôn khéo, thông minh nhất". Tôi rất thích câu nói đó và luôn cố gắng chia ổ bánh mình kiếm được sao cho hợp lý nhất.
- Đã lâu rồi khán giả cũng không thấy chị có đóng góp gì mới cho lĩnh vực nghệ thuật?
- Tôi nghĩ nghệ sĩ thì cũng là người bình thường có cuộc sống, gia đình phải lo toan, cáng đáng. Yêu nghệ thuật là một chuyện nhưng làm nghệ thuật có đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày không lại là chuyện khác. Khi tôi có công việc và thu nhập ổn định thì tôi mới yên tâm đi đóng phim, làm nghệ thuật được. Vì như mọi người đều biết lao động nghệ thuật khá vất vả nhưng thu nhập chẳng là bao. Tôi rất khâm phục và tôn trọng các nghệ sĩ Việt Nam vẫn đang miệt mài đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Thành thật mà nói, so với các nghệ sĩ nước ngoài thì tôi thấy nghệ sĩ Việt yêu nghề hơn. Dù thu nhập rất thấp, phải dãi dầu mưa nắng, chịu nhiều áp lực nhưng họ vẫn bám nghề tha thiết, có những vai diễn hay được khán giả yêu mến.
Mấy năm trước tôi đã tham gia phim ảnh quá nhiều, tôi nghĩ bây giờ là lúc nên lắng lại, chiêm nghiệm để tìm lối diễn xuất hay hơn, chín hơn. Tôi vẫn đang chờ đợi một vai diễn thực sự dành cho mình. Tôi không muốn diễn như một con robot cứ thấy ánh đèn máy quay là nhảy ra diễn xuất không cảm xúc. Tôi vẫn đam mê, khát khao nghề diễn nhưng bây giờ tôi tự thấy mình đã qua cái thời cứ mong được xuất hiện liên tục trên truyền hình rồi. Nếu gặp vai phù hợp, tôi nhất định sẽ tái ngộ khán giả. Tôi mong mọi người sẽ hiểu và tôn trọng lựa chọn của người nghệ sĩ chứ đừng đòi hỏi họ phải liên tục có vai diễn, cống hiến cho nghệ thuật khi bản thân họ chưa sẵn sàng.
- Mới ở tuổi 30 nhưng dường như chị đã trở thành đại gia với khối tài sản khổng lồ. Chị có thể chia sẻ bí quyết làm giàu của mình?
- Tôi nghĩ vấn đề này quá riêng tư và là bí mật kinh doanh nên sẽ không chia sẻ cụ thể. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trong cuộc sống thì mỗi người có một số phận, nếu cố gắng chăm chỉ lao động thì sẽ gặt hái thành tựu, đừng ngồi một chỗ rung chân rồi tự hỏi sao người ta có tiền mà mình không có. Chằng ai biết tôi đã lao động vất vả thế nào, làm việc hơn 20 tiếng đồng hồ một ngày, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, đau cứng thì mới có chút thành tựu như ngày hôm nay. Tôi sẵn sàng chia sẻ cách làm giàu của mình nhưng chỉ sợ là hành động này là thừa thãi, chẳng khác nào bảo người ta ra hiệu sách mua những quyển như "Bí quyết thành công trong kinh doanh", "Làm sao để trở nên giàu có..." Mọi lời nói và mọi cuốn sách đều chỉ là lý thuyết, điều quan trọng là chính bản thân, đôi tay và khối óc của mỗi người. Tôi không lạc quan đến nỗi nghĩ rằng mình cứ chia sẻ là mọi người có thể làm được, mặc dù càng có nhiều người Việt thành đạt thì tôi càng vui. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có cơ hội làm giàu. Ngược lại, những người đã giàu có mà không biết cách gìn giữ, phát triển tài sản của mình thì mọi thứ cũng sẽ tan biến.
Kiều nữ cho biết cô vừa trải qua ngày Lễ Tình nhân khá giản dị bên bạn trai.
- Giàu có như vậy, chị có sợ bạn trai tự ti khi đứng cạnh mình?
- Trong tình yêu thì không thể đem vật chất ra để so sánh được. Ở trên tôi đã nói tôi mua một món đồ cũng như mua một tác phẩm đẹp và không quan tâm đến giá cả của nó. Nếu tác phẩm nghệ thuật đã thế thì tình yêu còn quan trọng, quý giá hơn nhiều. Bởi vật chất thì phục vụ cho cuộc sống thực còn tình yêu lại nuôi dưỡng tinh thần con người. Tiền thì chúng ta có thể lao động chăm chỉ để kiếm được, phục vụ cho cuộc sống chứ những vui buồn, đau khổ trong tinh thần thì không thể mua được. Bạn trai tôi cũng còn rất trẻ và là người yêu lao động như tôi. Chúng tôi đến với nhau vì tình yêu, sự thấu hiểu, chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống, công việc. Cả hai có cùng mục tiêu là cống hiến và phấn đấu để trở thành người thành đạt. Dường như giữa chúng tôi chẳng có cái mà mọi người vẫn hay gọi là sự mơ mộng, lãng mạn của tình yêu.
Ngày Valentine hôm qua, chúng tôi vẫn miệt mài làm việc tới gần khuya mới rủ nhau đi ăn. Chúng tôi tới nhà hàng gọi món ăn giản dị là bánh mì kẹp thịt. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng tình yêu thực tế này sẽ bền vững hơn những tình cảm lãng mạn. Nói là yêu nhau nhưng vì quá bận rộn nên hầu hết thời gian trong ngày tôi và anh ấy dành cho công việc. Yêu nhay đã một năm rưỡi rồi mà chúng tôi chẳng từng xảy ra xung đột, cãi vã bao giờ. Tôi và anh có cùng mục tiêu là hướng tới tương lai, hỗ trợ và giúp nhau làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Có thể hiện tại tôi giàu có hơn nhưng anh cũng không vì thế mà kém tự tin khi đứng cạnh tôi. Bởi anh có nhiều mặt mạnh hơn tôi để tự hào. Chẳng ai dám nhận mình là người toàn diện nên hai chúng tôi chỉ cảm thấy đang bổ sung, bù đắp cho nhau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Có thông báo mới